Hình thành Rạp Công Nhân (Thành phố Hồ Chí Minh)

Rạp được khởi công xây dựng đầu thập niên 1940, do ông Nguyễn Văn Hảo mua đất và xây dựng để phục vụ sở thích cải lương của mình. Rạp có mặt tiền hướng về đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo), cửa hậu trổ ra đường Bùi Viện.

Rạp được xây dựng với 3 tầng khán phòng với tổng số ghế cho khán giả là 1.200 ghế, chưa kể ghế súp đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chính thức. Lầu ba dành cho khán giả hạng ba có 300 ghế, được đóng bằng ván dài, trên một cái dàn gỗ, ghế được đóng từng hàng từ thấp lên cao như ghế băng trong các rạp xiếc. Lầu hai dành cho khán giả hạng nhì và hạng nhất gồm 400 ghế bọc nệm da đỏ có lưng dựa. Tầng trệt có 500 ghế bọc nệm da đỏ, dành cho khán giả thượng hạng và hạng nhất.

Phía tay phải của rạp hát là một hành lang rộng 5 m, dài từ cửa trước đến sát phông sân khấu (độ 50 m). Hành lang này dành cho đoàn hát để phông màn, chỗ làm tuồng của một số đào, kép hạng ba, vũ nữ và quân sĩ. Đây cũng là nơi dự phòng của rạp để phòng lối ra khi có hỏa hoạn.

Đương thời, đây là rạp hát có nhiều số ghế nhất ở Sài Gòn, chuyên dành cho biểu diễn cải lương, từng được các nghệ sĩ gọi là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo.